Sáng 13/10, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã chính thức vận hành chuyến tàu hỏa đầu tiên sau khi nới lỏng giãn cách xã hội tại TPHCM, vận chuyển hành khách tuyến Nam - Bắc sau gần 2 tháng tạm ngừng vì dịch Covid-19.
Từ 5h sáng, nhiều người dân tại TPHCM đã ra ga Sài Gòn để xếp hàng chờ lên tàu. Đây là chuyến tàu đầu tiên và cũng là chuyến duy nhất trong ngày 13/10.
Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc chi nhánh đường sắt Sài Gòn (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết, chuyến tàu đầu tiên hoạt động lại mang số hiệu SE8, chạy từ TPHCM ra Hà Nội, chạy qua 23 ga ở dọc các tỉnh thành từ Nam ra Bắc.
Điều kiện để người dân có thể lên tàu là bắt buộc phải được tiêm vaccine, mũi 2 phải được tiêm ít nhất trước 14 ngày. Hành khách phải có giấy xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Theo ông Đỗ Quang Văn, tàu SE8 có 7 toa giường nằm, 2 toa ghế ngồi, ngành đường sắt thực hiện việc bán vé giãn cách trên tàu, ga Sài Gòn chỉ được phép bán tối đa 300 vé, hiện tại ga có 142 hành khách mua vé lên tàu. Trên cả chuyến tàu và tất cả các ga đi qua, tàu có thể nhận 425 khách.
"Ngoài việc bắt buộc phải tiêm 2 mũi vaccine, giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, chúng tôi cũng đề nghị hành khách đi tàu lưu ý thực hiện các quy định phòng dịch như khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang. Ngoài ra, hành khách phải làm giấy cam đoan thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch khi lên tàu", Giám đốc chi nhánh đường sắt Sài Gòn nói.
"Đây là chuyến tàu đầu tiên tôi làm việc trở lại sau 2 tháng nghỉ vì dịch, phấn khởi lắm. Thấy bà con tay xách nách mang hành lý để trở về quê sau nhiều tháng bị kẹt do dịch bệnh, mình cũng vui lây", anh Trương Công Trà - nhân viên tàu SE8 làm việc trở lại sau 2 tháng ga tàu tạm ngừng hoạt động, chia sẻ.
5h30 sáng, những hành khách đầu tiên lên tàu SE8, để đảm bảo nguyên tắc 5K, hành khách được sắp xếp chỗ ngồi giãn cách. Lượng hành khách cũng không nhiều trong chuyến tàu đầu tiên.
Ông Thanh Vân (quê Khánh Hòa), vào chữa bệnh ở TPHCM gần 5 tháng trước sau đó bị kẹt lại vì dịch Covid-19.
"Mặc bảo hộ cũng cảm thấy khó chịu lắm, nóng mà vướng víu nữa, nhưng để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, vẫn phải cố gắng mặc trong suốt hành trình về nhà", ông Vân nói.
Hai mẹ con chị Trần Thị Hồng Nhung (29 tuổi, quê Quảng Bình) cho biết, đã làm giáo viên ở TPHCM được 6 năm, nhưng thất nghiệp 5 tháng nay.
"Không thể đi làm nhiều tháng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đành phải về quê ở một thời gian. Khi nào trường học mở lại, dịch không còn nguy hiểm nữa thì lại trở lại TPHCM làm việc tiếp", chị Nhung cho hay.
Bà Hoàng Thị Hương (quê Thừa Thiên - Huế) không đủ điều kiện lên tàu vì chưa có giấy xét nghiệm âm tính.
"Tôi nhờ người quen mua vé giúp, chứ tôi cũng không biết là cần phải có giấy xét nghiệm mới được đi, tới ga rồi nhân viên kiểm tra mới nói là không lên tàu được. Vé cũng không thể trả lại được nữa. Giờ phải về đi xét nghiệm lại rồi mua vé khác mới được đi tàu", bà Hương nói.
Nhiều em nhỏ chờ đợi tàu lăn bánh để trở về quê cùng cha mẹ sau nhiều tháng "mắc kẹt" tại TPHCM do dịch Covid-19.
Đúng 6h sáng, chuyến tàu đầu tiên bắt đầu lăn bánh, khởi hành từ TPHCM ra Hà Nội.
Trong khi đó, chị Phan Thị Hằng (quê Nghệ An) ôm con nhỏ tới ga để lên tàu nhưng bị trễ chuyến, tàu đã khởi hành trước đó vài phút.
Chị Hằng kể, hai vợ chồng làm công nhân ở Thuận An (Bình Dương), nhưng chị thất nghiệp mấy tháng nay, giờ không có tiền trả tiền trọ, chị đành ôm con về quê, chồng chị ở lại làm thuê để trả nợ cho chủ nhà.
"Tiền hai vợ chồng gom góp để mua vé về nhưng giờ bị trễ, không trả được vé nữa, cũng không còn tiền để quay lại Bình Dương, giờ không biết phải làm sao cả", chị Hằng ôm con nhỏ ngồi trước sân ga với vẻ mặt buồn rầu.