Hà Giang: Không gian lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông

Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là địa phương với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, Cao nguyên đá nói chung, huyện Đồng Văn nói riêng, luôn thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Để có kết quả đó, bên cạnh sức hút từ phong cảnh hùng vĩ của thiên nhiên thì văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây chính là động lực thôi thúc mỗi du khách tìm về. 

 

 


Quán Cà phê Tam giác mạch là không gian thu nhỏ của vùng Cao nguyên đá. Ảnh: My Ly

Xuất phát từ mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào và quảng bá rộng rãi đến đông đảo du khách; quán Cà phê Tam giác mạch, do anh Ngô Xuân Hiếu làm chủ đầu tư được xây dựng tại khu vực Phố cổ Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) chính là không gian lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên Cao nguyên đá. Nơi đây, vừa tạo không gian văn hóa cho du khách trải nghiệm, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. 

Nằm tại trung tâm khu vực Phố cổ Đồng Văn, quán Cà phê Tam giác mạch mang hơi thở của người dân vùng cao, tái hiện rõ nét cuộc sống dân tộc Mông, đồng thời là bức tranh thu nhỏ của Cao nguyên đá Đồng Văn. Quán được thiết kế vừa thể hiện sự hiện đại thông qua cách bố trí không gian, lại vừa thể hiện được sự chân chất, mộc mạc, gần gũi thông qua cách xắp sếp các vật dụng. Tại đây, các nguyên liệu được sử dụng 100% từ thiên nhiên, là nguyên liệu gắn với cuộc sống thường ngày của người dân như: Gỗ Sa mộc, đất, đá. Vật dụng trang trí được tận dụng từ những bắp ngô, hạt Tam giác mạch, cây lanh,... Quán được thiết kế không gian mang bản sắc riêng, các biểu tượng gắn liền với Cao nguyên đá như: Sông Nho quế, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, nhà trình tường, hàng rào đá,... Toàn bộ quá trình thi công, cách bố trí, sắp xếp không gian đều được tư vấn từ các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mông và do chính tay các nghệ nhân dân gian thực hiện.

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy dịch vụ du lịch, bên cạnh không gian dành cho khách uống cà phê, thưởng thức văn hóa, quán Cà phê Tam giác mạch còn thiết kế khu vực riêng để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm địa phương. Khu vực này được bài trí ngăn nắp, gọn gàng và bắt mắt. Đây là nơi quảng bá, giới thiệu và cung cấp các loại hàng hóa đặc trưng của huyện như: Cà phê Tam giác mạch, mật ong Bạc hà, thịt treo gác bếp, bánh Tam giác mạch, rượu ngô, Ớt gió,... Trong không gian của quán còn trưng bày các loại thổ cẩm, trang phục dân tộc, tạo sự ấm cúng, mang đậm hơi thở vùng cao. Vào các ngày cuối tuần, quán có phục vụ văn nghệ dân gian với những làn điệu dân ca của các dân tộc trên Cao nguyên đá như: Múa khèn, thổi khèn, hát dân ca,... để du khách có thể giao lưu văn hóa văn nghệ với các nghệ nhân cũng như tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào.

Với sản phẩm chính là cà phê Tam giác mạch, vì vậy quán sử dụng 100% nguyên liệu của địa phương: Cà phê do người dân thôn Má Lủ, thị trấn Đồng Văn trồng và hạt Tam giác mạch thu mua trên địa bàn huyện. Được biết, quán sẽ bao tiêu đầu ra cho người dân trong vùng theo cam kết ban đầu; dự kiến mỗi loại khoảng 1 tấn/năm. Đồng thời, cam kết tạo việc làm và sử dụng lao động tại địa phương tối đa là 5 nhân công; cam kết trong 5 - 7 năm hỗ trợ tư vấn người dân phát triển vùng nguyên liệu trồng cà phê; hỗ trợ dạy pha chế và đào tạo pha chế chuyên sâu cho người dân địa phương khi làm việc tại quán với mức đãi ngộ tốt. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch khu Phố cổ, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động địa phương.

Trao đổi với anh Ngô Xuân Hiếu, chủ đầu tư quán Cà phê Tam giác mạch, anh cho biết: Thương hiệu cà phê Tam giác mạch của Hà Giang đã được rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế yêu thích. Đặc biệt, Tam giác mạch và cà phê là 2 sản phẩm mà bà con vùng cao làm ra được. Vì vậy, xuất phát từ mong muốn tìm thị trường tiêu thụ cho bà con, đồng thời xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm du lịch của Hà Giang, tôi đã quyết định mở quán Cà phê Tam giác mạch. Trong quá trình thực hiện, tôi cũng tham khảo rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, cũng như đối thoại với người dân tại khu vực Phố cổ Đồng Văn, và được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặc dù đây là địa điểm kinh doanh, nhưng mục đích lớn nhất mà tôi muốn hướng đến là đưa quán cà phê trở thành nơi giao lưu, quảng bá văn hóa dân tộc Mông đến với đông đảo du khách, góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương.

My Ly

 

Tin khác :

LIÊN HỆ

Họ và tên : (*)
Email : (*)
Số điện thoại : (*)
Tiêu đề :
Nội dung liên hệ: (*)