Với tiềm năng về tài nguyên tự nhiên và khí hậu cùng với việc sử dụng những công nghệ hiện đại, sản phẩm mang tính đặc thù, Lâm Đồng đã phát triển du lịch canh nông trở thành sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao. Đây thực sự là hướng đi bền vững cho kế hoạch phục hồi du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của tỉnh Lâm Đồng.
Tiềm năng lớn
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng, diện tích canh tác nông nghiệp trên toàn tỉnh đạt khoảng 300.000 ha, riêng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 61.160 ha, chiếm 20,3% tổng diện tích đất canh tác và là tỉnh đứng đầu trong cả nước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà Blao, Cà phê Di Linh, Dứa Cayenne Đơn Dương, Lúa gạo Cát Tiên, Rượu cần Lang Bian, Chuối LaBa, Nấm Đơn Dương, Cá nước lạnh Đà Lạt,…
Qua những con số trên ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn phát triển về nông nghiệp nói chung, du lịch canh nông nói riêng và loại hình này đang là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù phát triển của tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn phát triển về du lịch canh nông (Ảnh: Nam Nguyễn).
Thông qua việc tổ chức các tour du lịch đến ở, hoặc tham quan có mục đích thưởng ngoạn tại các gia trại, nông trại, trang trại... Du khách sẽ được tìm hiểu các quá trình sống, canh tác, sản xuất các sản phẩm nông sản của người nông dân và hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng nông hộ gia đình hoặc trang trại.
Bên cạnh đó du khách còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh, trải nghiệm, hòa mình vào những bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương nên du lịch canh nông có thể nói là một hình thức du lịch mang tính cộng đồng bình đẳng và bền vững.
Tới nay, 100% các xã của tỉnh Lâm Đồng đều có đồ án quy hoạch xây dựng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới được UBND cấp huyện, thành phố phê duyệt.
Việc xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới, đẹp hơn cho vùng nông thôn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch canh nông tại các làng nghề truyền thống như các làng hoa: Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên… với các mô hình như Long Đỉnh Farm, Cầu Đất Farm, trang trại bò sữa Vinamilk Organic,…
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhận thấy du lịch canh nông là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo có tính cạnh tranh cao, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách, hỗ trợ và khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình du lịch canh nông như quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 10/12/2015 về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 23/10/2017 về việc ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình "Điểm du lịch canh nông" và "Tuyến du lịch canh nông" trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 933/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh…
Tại một số mô hình du lịch canh nông, du khách có thể được tìm hiểu quy trình theo dõi và chăm sóc tự động cây trồng; biết được độ ẩm và cường độ ánh sáng trong khu nhà kính thế nào và cần điều chỉnh ở mức tối ưu là thế nào, được xem trình diễn hệ thống tưới phun mưa/nhỏ giọt, hệ thống điều tiết ánh sáng hoạt động,… tất cả đều thông qua điều khiển bằng điện thoại, máy tính.
Đặc biệt theo ông Nguyễn Văn Hùng, việc áp dụng chuyển đổi số là thực sự cần thiết để tạo nên một chuỗi du lịch giá trị bền vững với nhiều lựa chọn khác nhau cho du khách; áp dụng chuyển đổi số để cung cấp thông tin, định vị các địa điểm nhằm tạo hệ thống mạng lưới liên kết giữa các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với nhau, qua đó du khách có thể dễ dàng tìm hiểu để có sự lựa chọn thích hợp nhất cho chuyến đi tham quan học hỏi và nghỉ dưỡng của mình.
Áp dụng chuyển đổi số là thực sự cần thiết để tạo nên một chuỗi du lịch giá trị bền vững (Ảnh: Nam Nguyễn)
Hiện nay, ngoài 02 trang web chính thức về du lịch của tỉnh đang được vận hành là http://svhttdl.lamdong.gov.vn/ và http://dalat-info.vn/, tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai, phát triển hệ thống du lịch thông minh gồm cổng thông tin http://dalat.vn và ứng dụng du lịch thông minh - DaLatCity phục vụ du khách trên thiết bị di động; thành phố wifi; bản đồ du lịch thông minh. Thông tin về các sản phẩm dịch vụ, giá trị nổi bật của các điểm đến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được chuyển đến du khách kịp thời, giúp du khách hiểu rõ hơn về các sản phẩm, điểm đến du lịch, từ đó lựa chọn các chương trình, hành trình phù hợp với nhu cầu, sở thích, khả năng chi trả của khách, giúp du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm khi đến với Đà Lạt – Lâm Đồng.
Thông qua ứng dụng du lịch thông minh này, khách du lịch sẽ được cung cấp các thông tin chính thống về du lịch địa phương bằng hình ảnh, bài viết sinh động về điểm đến (tham quan, lưu trú, ăn uống, mua sắm, giải trí, sự kiện...), tra cứu phương tiện di chuyển, ngân hàng, y tế, nhà vệ sinh công cộng, thời tiết.., Đặc biệt, với mục phản hồi, du khách có thể tương tác để phản ánh về chất lượng dịch vụ, giá cả... để các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA - Nhật Bản, tỉnh đã xây dựng thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" - đây là thương hiệu dùng để quảng bá các hình ảnh du lịch canh nông đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 10 đơn vị du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành".
Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan, trải nghiệm của khách, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình Cà phê Green Box, Đạ Lạch Noah, Trang trại Rau và Hoa, Trà Long Đỉnh, Fresh Garden Đà Lạt, Trà và Rượu Vang Vĩnh Tiến…/.
Minh Khánh