Trước kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, ngành du lịch cho rằng đây là sự khởi đầu để vực dậy, kích hoạt nhiều hoạt động dịch vụ, mở đường cho việc phục hồi thị trường du lịch vốn đã gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19.
|
Ảnh minh họa. |
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, từ nay đến cuối năm, cần thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến đón 2-3 triệu lượt người.
Trước đó, kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng "hộ chiếu vaccine" với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).
Ngay từ cuối tháng 6, Bộ VHTT&DL đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Theo đề xuất của Bộ, Phú Quốc sẽ được thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ 1/10. Du khách trong nước và quốc tế chỉ có thể vào đảo Phú Quốc nếu có chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 và kết quả xét nghiệm âm tính. Việt Nam dự kiến đón khách từ thị trường có tiềm năng, độ an toàn cao về dịch bệnh ở các khu vực như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông...
Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Kiên Giang sẽ lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tham gia đón khách quốc tế theo tiêu chí bảo đảm an toàn phòng dịch và chất lượng dịch vụ. Du khách cũng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói, khép kín của doanh nghiệp lữ hành đã được lựa chọn.
Chờ đợi "cú hích"
Trước kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp du lịch bày tỏ vui mừng, cho rằng đây chính là "cú hích" để có thể kích hoạt nhiều hoạt động dịch vụ, mở đường cho việc phục hồi thị trường du lịch vốn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cho rằng, việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc là cơ hội để các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, điểm đến, lưu trú khởi động lại các dịch vụ. Nhưng theo ông Bình, để kế hoạch này thành công, các đơn vị cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ việc khảo sát điểm đến, xây dựng các gói dịch vụ, tour du lịch khép kín cho đến bảo đảm an toàn và cần tính đến nguồn nhân lực phục vụ du khách. Tuy nhiên, với tinh thần chung, các đơn vị du lịch đều sẵn sàng triển khai kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tiến tới phục hồi thị trường du lịch.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng nhận định, đây là thời điểm thuận lợi để các đơn vị chủ động xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với cả khách nội địa và quốc tế. Khi việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc thành công, hy vọng mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra những địa phương khác.
Quá trình thí điểm được chia làm 2 giai đoạn. Trong 3 tháng đầu, Phú Quốc dự kiến đón từ 2.000-3.000 khách/tháng thông qua các chuyến bay thuê chuyến. Du khách sẽ được phục vụ giới hạn trong phạm vi một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, an toàn, dành riêng cho khách du lịch quốc tế. Từ tháng thứ 4, sau khi đánh giá giai đoạn 1, nếu thực hiện tốt, có thể triển khai đón khách thông qua các chuyến bay thương mại và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế. Ở giai đoạn này, dự tính đón từ 5.000-10.000 khách/tháng.
Trong 6 tháng thí điểm, Tổng cục Du lịch ước lượng Phú Quốc có thể đón từ 25.000-40.000 khách du lịch quốc tế.
"Hộ chiếu vaccine" đã trở thành một xu hướng toàn cầu và thực tế, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép công dân của mình sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch, đồng thời sử dụng cho các hoạt động trong nước. Tại Việt Nam, Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên thí điểm "hộ chiếu vaccine" để đón khách du lịch quốc tế.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế, Bộ TT&TT để xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine tiêu chuẩn châu Âu nhằm sẵn sàng phục vụ mở đón khách quốc tế. Hệ thống đã được tích hợp lên ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", đáp ứng yêu cầu về an ninh, an toàn và bảo mật thông tin, hỗ trợ khách du lịch từ trước khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh rời Việt Nam.
Song song với đó, ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" đã được tích hợp tính năng “Tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế. Dữ liệu được liên thông trực tiếp đến Hệ thống quản lý khai báo y tế của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh việc khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng, người dùng ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" có thể tiếp cận hệ sinh thái thông minh như tìm kiếm điểm đến an toàn, cập nhật thông tin dịch bệnh ở các địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ, quản lý tour du lịch, khám phá điểm đến...
Để có thể sẵn sàng thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, TP. Phú Quốc đã đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân sinh sống trên địa bàn. Phú Quốc đã tổ chức tiêm vaccine đợt 4 cho gần 32.000 người, phấn đấu sớm thực hiện tiêm chủng cho 95% dân số.
Đây là những động thái tích cực cho thấy hoạt động du lịch đang dần trở lại, hy vọng sẽ sớm phục hồi với phương châm vừa phát triển vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Nhật Nam