VQG Cát Tiên là khu vực bảo tồn được nhiều loại động, thực vật quý hiếm, là vùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái rừng thường xanh lá rộng. Độ che phủ của rừng tự nhiên trong khu vực này lên tới 80%, với hệ sinh thái đa dạng như rừng thường xanh ẩm, đồng cỏ và ngập nước.
VQG Cát Tiên là khu rừng nguyên sinh với nhiều kiểu địa hình xen kẽ như: Đồi, trũng, các bàu, đầm, hệ suối cộng với hơn 90km chiều dài sông Đồng Nai uốn mình bao quanh đã tạo nên những cảnh quan đặc trưng. Với những ghềnh thác đẹp, các khu đất ngập nước và bán ngập nước với cát vàng tạo thành các bãi tắm tự nhiên giữa rừng.
Vườn nằm giữa 2 vùng địa lý từ vùng Tây nguyên xuống vùng đồng bằng Nam Bộ, hội tụ được các luồng hệ động-thực vật đa dạng và phong phú.
Theo số liệu thống kê, VQG Cát Tiên là nơi cư ngụ của 1.610 loài thực vật và 1.568 loài động vật. Trong đó, 31 loài thực vật và 84 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 50 loài chim được ưu tiên bảo vệ ở mức độ toàn cầu và được ghi vào Sách Đỏ IUCN, 2008).
Theo đó, về hệ thực vật, thành phần chiếm ưu thế thuộc họ sao dầu, họ đậu và họ tử vi; được chia thành 5 kiểu rừng chính: rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ và tre nứa, rừng tre nứa thuần loài, và thảm thực vật đất ngập nước. Có các loài cây quý hiếm có tên trong sách đỏ như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai nam, cẩm lai vú, giáng hương…
"Cây Gõ bác Đồng" cao hơn 30m và có đường kính gần 3m. Ảnh: Dân Trí
Đặc biệt có rất nhiều loại cây hình thù kỳ lạ có niên đại hàng trăm năm. Nổi tiếng nhất phải kể đến cây Gõ đỏ hơn 700 tuổi, cao 30m, đường kính thân ở phần dưới gần 4m có tên gọi là "cây Gõ bác Đồng". Theo cán bộ kiểm lâm làm việc tại VQG Cát Tiên, năm 1988, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công tác tại vườn và đến thăm cây Gõ. Thấy cây phát triển tốt, ông khen ngợi và khuyên cán bộ vườn phát huy tinh thần bảo vệ rừng. Về sau, cán bộ vườn quyết định đặt tên cho cổ thụ là "cây Gõ bác Đồng" để kỷ niệm và nhắc nhở thế hệ sau về trách nhiệm giữ rừng.
Ngoài ra còn có cây tung cổ thụ hơn 400 năm tuổi, chiều cao 30m, phần gốc phải gần 20 người ôm mới xuể.
VQG Cát Tiên còn là xứ sở của các loài lan với 62 loài khác nhau, cho thấy các điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự đa dạng sinh học hiếm có so với khu vực.
Hệ động vật trong VQG Cát Tiên có 113 loài thú, quý hiếm là chà vá chân đen, hoẵng Nam bộ. Chim có 351 loài, chiếm gần 50% các loài chim tại Việt Nam trong đó có các loài quý hiếm là hạc cổ trắng, công, già đẫy java, quắm cánh xanh, ngan cánh trắng, gà so cổ hung, gà tiền mặt vàng, chích chạch má xám.
Bò sát có 109 loài, quý hiếm gồm cá sấu xiêm, trăn gấm, trăn đen... Lưỡng cư có 41 loài, những loài quý hiếm như cóc mắt chân dài, cóc rừng, chàng andecson...
"Báu vật" ở VQG Cát Tiên còn phải kể đến côn trùng. Côn trùng có 756 loài, gồm 450 loài bướm, chiếm hơn 50% tổng số loài bướm ở Việt Nam, quý hiếm là bướm phượng cánh sau vàng, và bướm phượng cánh kiếm.
Không chỉ có động thực vật phong phú, trong khu vực Cát Tiên có nhiều địa điểm cảnh quan đẹp, như thác Trời, thác Bến Cự, thác Dựng, thác Mỏ vẹt, thác Nơkrót - Nơkrót... Một trong số những hệ sinh thái nổi bật ở đây là hệ thống sông và các bàu.
Bàu Sấu có diện tích đất ngập nước lớn nhất VQG Cát Tiên, với mặt bàu rộng hơn 2.500 ha vào mùa mưa. Còn vào mùa hè, mặt bàu chỉ rộng chừng 100 - 150 ha. Đây không chỉ là “ngôi nhà” của loài cá sấu nước ngọt (cá sấu Xiêm, một loài cá sấu Việt Nam suýt tuyệt chủng) mà còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Bàu Chim là nơi tập trung những loài chim quý hiếm và đa dạng chủng loại.
Trên đảo Tiên có trạm cứu hộ gấu, là nơi chăm sóc và chữa trị những chú gấu bị thương.
Đảo Tiên cũng là một “báu vật” của VQG Cát Tiên. Với diện tích 57 hecta, đảo Tiên là nơi bảo tồn các loài động vật nằm trong sách đỏ như vượn đen má vàng, voọc bạc, voọc vá chân đen,... Nơi đây còn có trạm cứu hộ gấu, nơi chăm sóc và chữa trị những chú gấu bị thương.
Đặc biệt, VQG Cát Tiên là nơi cư trú của 11 dân tộc và là nơi có không gian văn hóa, di sản Ốc Eo. Đây là hình mẫu về bảo tồn đa mục đích -một mô hình phát triển bền vững hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa của các đồng bào dân tộc ít người, các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học.
Tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được quốc tế công nhận và khẳng định. Năm 2005, Khu đất ngập nước Bàu Sấu được Ban Thư ký công ước Ramsar - UNESCO công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngày 18/6/2011, Tổ chức Unesco thế giới đã chính thức công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012).
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-bau-vat-vo-gia-khien-the-gioi-ngo-ngang-o-vqg-cat-tien-a524560....
Vực sông Nho Quế được xem là một trong những hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, là một trong những thung lũng có kiến tạo...